Vào ngày 3/6/2019 từ 9:00-12:00, trường Đại học Quốc Tế tổ chức buổi nói chuyện về chủ đề “Bức ảnh đầu tiên chụp lỗ đen” do Giáo sư Paul T. P. Ho trình bày. Ông là Tổng Giám Đốc Đài quan sát Đông Á – 1 trong 8 đài thiên văn tham gia vào dự án chụp ảnh lỗ đen bằng kính thiên văn Chân trời sự kiện (EHT).
Các bạn học sinh/sinh viên và cán bộ giảng viên có thể đăng kí tham dự qua đường link sau: https://bitly.vn/3bbo
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ qua email: [email protected] hoặc số điện thoại 0945467496 (Chị Quý)
BỨC ẢNH ĐẦU TIÊN CHỤP LỖ ĐEN
Một nhóm gồm khoảng 200 nhà khoa học trên khắp thế giới vừa chụp được bức ảnh đầu tiên về lỗ đen.
Một lỗ đen được cho là nơi trường hấp dẫn mạnh đến mức ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát khỏi nó. Các ngôi sao bình thường có khối lượng lớn hơn khoảng hai mươi lần so với Mặt Trời sau khi chết đi sẽ trở thành một lỗ đen.
Các lỗ đen rất lớn được coi như tồn tại ở trung tâm các thiên hà, với khối lượng gấp hàng triệu đến hàng tỷ lần so với Mặt Trời. Tuy nhiên, vì các lỗ đen này có kích thước vật lý rất nhỏ và ở rất xa, nên thực sự không thể nhìn thấy chúng trực tiếp.
Năm 2017, một dự án kết hợp 8 kính viễn vọng vô tuyến thành một mạng lưới, trải khắp bề mặt Trái Đất, hoạt động cùng nhau như một kính viễn vọng khổng lồ nhằm tìm kiếm hình ảnh về lỗ đen đã được thành lập. Hệ kính thiên văn này làm tăng độ phân giải góc để có thể chụp bức ảnh đầu tiên của lỗ đen siêu khối lượng ở trung tâm của thiên hà M87 ở khoảng cách 53 triệu năm ánh sáng (1 năm ánh sáng là khoảng 6 nghìn tỉ dặm).
Bức ảnh cho thấy một bóng tối, kích thước gấp khoảng 300 lần kích cỡ quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời, được bao quanh bởi một đĩa khí phát sáng. Khối lượng đo được của bóng tối này phù hợp với tính toán lý thuyết về khối lượng lỗ đen, là gấp khoảng 6 tỷ lần so với Mặt Trời.
Hành trình mà chúng ta có thể thực sự nhìn thấy lỗ đen siêu lớn này là một câu chuyện đầy lý thú và đáng kinh ngạc. Ở đó, các nhà thiên văn học châu Á đóng một vai trò lớn trong dự án này.
TIỂU SỬ CỦA GIÁO SƯ PAUL T. P. HO
Giáo sư Paul T.P. Ho lấy bằng cử nhân và tiến sĩ Vật lý tại Học viện Công nghệ Massachusetts, nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Massachusetts, Amherst và Đại học Berkeley. Trước khi trở về làm giám đốc Viện Thiên văn Vật lý Đài Loan vào năm 2002, ông là giáo sư Đại học Harvard và là nhà khoa học cao cấp của Đài quan sát Smithsonian.
Các hướng nghiên cứu khoa học của GS Ho bao gồm phổ phân tử, quá trình hình thành sao và hành tinh, lỗ đen siêu lớn, các thiên hà, vũ trụ học. Ông công bố hơn 400 bài báo quốc tế uy tín, trong đó có 14 công trình được đăng trên tạp chí Nature và Science.
Từ năm 2014, ông giữ chức Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á. Đây là đài quan sát đã góp hai hệ kính vô tuyến là SMA và JCMT vào dự án kính EHT chụp ảnh lỗ đen đầu tiên như đã công bố vừa qua trên toàn thế giới.
Cùng với các công trình nghiên cứu đỉnh cao, GS Ho còn chủ trì thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của công nghệ mới về chế tạo ăn-ten, máy thu phát thông qua các dự án kính vô tuyến như SMA, ALMA và GLT. Ngoài ra, ông còn chú trọng, nỗ lực thúc đẩy hợp tác khoa học giữa các nước Đông Á và Đông Nam Á.