Nhiều trường hợp trong thời gian gần đây bị phát hiện mạo danh sinh viên ĐH Quốc tế. Trong các trường hợp trên đa phần là rủ rê sinh viên (SV), đặc biệt là tân SV để tham gia bán hàng đa cấp… Thông qua bài viết này SV hãy đề cao cảnh giác khỏi bị sập bẫy.
Những năm gần đây, trong xã hội dấy lên phong trào bán hàng đa cấp. Đặc trưng của bán hàng đa cấp là phải lôi kéo thật nhiều người vào đường dây của mình để thành lập nhóm. Nếu số lượng thành viên càng đông thì số tiền được trích hoa hồng càng nhiều vì mỗi người khi tham gia là thành viên của đường dây đều phải đóng một khoản tiền theo quy định.
Do đó, đối tượng được hệ thống bán hàng đa cấp nhắm tới và dễ dụ dỗ, có số lượng nhiều chính là sinh viên (đặc biệt là Tân sinh viên). Các đối tượng này lợi dụng sự thiếu hiểu biết của SV nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng nhiều hình thức tinh vi khác nhau: Mua hàng của công ty để trở thành hội viên, lấy tiền của người vào sau, trả hoa hồng cho người vào trước…
Hầu hết những người tham gia bán hàng đa cấp đã dùng những gì mình học được để dụ dỗ hoặc lừa người khác cùng tham gia bán hàng đa cấp. Vì “đâm lao thì phải theo lao” nên rất nhiều sinh viên bán hàng đa cấp đã mất đi bạn bè, người thân hoặc bị mọi người cảnh giác vì sợ bị lừa.
Chiêu bài dụ dỗ
Để dụ dỗ sinh viên tham gia là các thành viên tuyển dụng khi lên thuyết trình thường tạo ra những mức lương và chiết khấu hoa hồng “khủng” từ vài triệu đồng, thậm chí lên đến hơn chục triệu đồng, đó là khoản thu nhập trong mơ của các sinh viên xa nhà, thuê trọ học hoặc những sinh viên mới ra trường chưa có việc làm ổn định.
Ngoài ra, để tăng “uy tín” cho việc dụ dỗ, thuyết phục các Tân sinh viên tham gia bán hàng đa cấp, các đối tượng thường lấy hình ảnh, tên tuổi của sinh viên khóa trước hoặc các Thầy/Cô giáo trong Nhà trường để cắt ghép, rao giảng và cho rằng hệ thống bán hàng này có sự tham gia của sinh viên khóa trước và các Thầy/Cô nên các bạn Tân sinh viên cứ “yên tâm” tham gia.
Bán hàng đa cấp bằng nhiều hình thức lâu nay đã biến tướng trở thành lừa đảo. Nhiều sinh viên trót “đâm lao nên phải theo lao” và cuối cùng tiền mất tật mang. Nhiều sinh viên dở khóc, dở cười và trở thành con nợ của bạn bè, của người thân cụ thể như: Để mua được sản phẩm của công ty, sinh viên A đã chạy vạy mượn tiền của bạn cùng lớp, cùng xóm trọ.
Sau khi mua sản phẩm và sử dụng thì không như lời quảng cáo, sinh viên A muốn trả lại và ngỏ ý rút lại số tiền thì phía công ty không chấp nhận, thậm chí còn bị đe dọa. Biết mình bị lừa và không thể lấy lại số vốn đã bỏ ra, SV A phải vất vả làm thêm trong thời gian dài để trả nợ. SV A cho biết: “Vì lo tiền trả bạn mà việc học hành của em cũng sa sút trông thấy, học kỳ đó em thi lại gần như toàn bộ các môn học”. Thậm chí, có SV phải nghỉ học, mất mạng vì sa vào mạng lưới bán hàng đa cấp.
Cảnh giác bán hàng đa cấp
Thông qua câu chuyện trên, rất mong SV chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm, không nghe theo những lời dụ dỗ ngon ngọt của một số đối tượng để tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp. Nếu tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp SV sẽ bị tiền mất tật mang, sa sút về học tập, mất hết tình cảm bạn bè, người thân, thậm chí còn mất cả tính mạng…
Nếu phát hiện thấy các trường hợp lôi kéo, dụ dỗ hoặc vay mượn tiền để tham gia bán hàng đa cấp trong sinh viên trường, cần báo ngay cho GVCN/CVHT hoặc Phòng Công tác sinh viên (Phòng O1.105, điện thoại (028) 37244270 – 3334) để được hỗ trợ xử lý kịp thời.
Nếu bạn muốn có thêm kinh nghiệm, muốn có việc làm thêm để có thu nhập nhằm hỗ trợ cùng gia đình trang trải cuộc sống ngay từ khi còn ngồi trên ghế Nhà trường, bạn vui lòng liên hệ Phòng Công tác sinh viên (Phòng O1.105, điện thoại (028) 37244270 – 3334) để được hỗ trợ và giới thiệu việc làm miễn phí!